Đánh giá hiệu quả sử dụng kết quả của đề tài “Kiến trúc đình, chùa của người Kinh ở tỉnh Sóc Trăng (1860-2014)”
Đề tài “Kiến trúc đình, chùa của người Kinh ở tỉnh Sóc Trăng (1860-2014)” do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Sóc Trăng chủ trì thực hiện. Đề tài đã được Hội đồng Khoa học và Công nghệ chuyên ngành cấp tỉnh đánh giá, nghiệm thu đạt yêu cầu. Năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao quyền sử dụng kết quả đề tài cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đồng thời, chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí để sử dụng kết quả nghiên cứu của đề tài nhằm giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa kiến trúc đình, chùa của người Kinh ở tỉnh Sóc Trăng, đồng thời khai thác thành điểm đến phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
Để làm cơ sở đánh giá hiệu quả sử dụng kết quả đề tài “Kiến trúc đình, chùa của người Kinh ở tỉnh Sóc Trăng (1860-2014)” sau khi nghiệm thu, Sở Khoa học và Công nghệ đã thành lập Tổ Chuyên viên do ông Dương Vĩnh Hảo - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ làm Tổ trưởng để tiến hành đánh giá hiệu quả sử dụng kết quả của đề tài thông qua Phiếu đánh giá hiệu quả (Phiếu đánh giá có 12 chỉ tiêu chính và đã được Tổ Chuyên viên đóng góp hoàn chỉnh trước khi tổ chức đánh giá).
Theo kết quả khảo sát, có 06/11 địa phương có sử dụng kết quả của đề tài trong việc giữ gìn, tôn tạo, phát triển và phát huy nghệ thuật kiến trúc đình, chùa của người Kinh tại địa phương. Từ năm 2020 đến nay, tổng kinh phí đầu tư để trùng tu, sửa chữa các đình, chùa của người Kinh là 13.345.000.000 đồng, trong đó, chủ yếu là nguồn kinh phí xã hội hóa (13.225.000.000 đồng), kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách là 120.000.000 đồng.
Nhìn chung, việc sử dụng kết quả đề tài mang lại hiệu quả xã hội khá tốt trong việc giữ gìn, tôn tạo, phát triển và phát huy nghệ thuật kiến trúc đình, chùa của người Kinh trong tỉnh Sóc Trăng, góp phần phục vụ đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người dân. Việc sử dụng kết quả đề tài đã góp phần nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo địa phương và người dân trong tỉnh đối với việc gìn giữ phát huy giá trị truyền thống các ngôi đình, chùa của người Kinh. Trong việc trùng tu, sửa chữa các đình, chùa của người Kinh, các địa phương chú ý nhiều hơn đến việc giữ gìn kiến trúc truyền thống của đình, chùa.
Thông qua kết quả đề tài, Hội Khoa học Lịch sử, trực tiếp là Ban Chấp hành hội và chủ nhiệm đề tài đã tích cực nắm bắt cơ hội, lồng ghép tuyên truyền, giới thiệu các di tích lịch sử, điểm tham quan du lịch trong tỉnh, nổi bật là những ngôi đình, chùa có kiến trúc nổi bật thu hút khách, các đình, chùa đã được công nhận di tích cấp tỉnh và cấp quốc gia. Từ đó đã phần nào giúp cho việc nâng cao giá trị văn hóa tinh thần, trách nhiệm tôn tạo và bảo vệ di tích của các địa phương, góp phần bảo tồn kiến trúc đình, chùa của người Kinh ở tỉnh Sóc Trăng phục vụ hoạt động du lịch của tỉnh. Bên cạnh đó, các đình, chùa với lối kiến trúc phong phú, đa dạng, chính là những điểm thu hút du khách tới tham quan, trải nghiệm, là đối tượng khai thác để góp phần phát triển du lịch ở các địa phương.
|
|
|
|
Khảo sát hiệu quả sử dụng kết quả đề tài ở một số địa phương
|
Tác giả: Dương Hồng Nga